Du học sinh nghỉ lễ

Chào các bạn, khi mình đang lọ mọ viết những dòng này thì chắc hẳn các bạn đang tranh thủ tận hưởng ngày nghỉ cuối cùng trong kì nghỉ lễ dài 30/04 – 01/05, hoặc một số bạn khác vẫn đang vi vu nếu kì nghỉ của bạn kéo dài một lèo đến hết Chủ Nhật. Với du học sinh, bọn mình không được nghỉ một kì nghỉ dài như thế, bọn mình chỉ được nghỉ ngày 01/05 – Ngày Quốc tế Lao động mà thôi. Sau hai năm vắt vẻo ở xứ người, trải qua vô số lần thèm thuồng nhìn bạn bè, gia đình nghỉ lễ những dịp hoàn toàn khác với thời gian nghỉ lễ của mình, đã có vô số điều thú vị mình tìm thấy trong những dịp nghỉ lễ “không dành cho du học sinh” này.

  1. Sự háo hức trước kì nghỉ: Là du học sinh chắc chắn tụi mình đều không có một tí tẹo háo hức nào trước những kì nghỉ lễ như thế này rồi (vì bọn mình không được nghỉ mà T.T ). Ở nhà, chúng ta bận rộn quay cuồng với công việc, học hành, chỉ cần tới những kì nghỉ lễ dài, bạn sẽ có vô số dự định để làm, về nhà với bố mẹ, tụ tập với bạn bè, đi du lịch xa hay chỉ đơn giản là tranh thủ nằm nhà thư giãn đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn. Suốt những ngày vừa rồi, toàn bộ instagram của mình ngập tràn dữ dội hình ảnh các hoạt động của mọi người ở nhà trong dịp nghỉ lễ. Ngay cả gia đình mình, tuy cả nhà chỉ về quê thăm ông bà nội, nhưng cũng vẫn liên tục gửi ảnh cập nhật tình hình nghỉ lễ cho mình. Hồi mới sang mình tủi thân vì xem những ảnh đó lắm, (thực ra tới giờ vẫn tủi thân nhưng chắc tại mình bỏ facebook rồi nên mình không bị mạng xã hội ảnh hưởng dữ dội) nhưng tới bây giờ mình đã học cách chấp nhận được rằng mọi người đều đang sống với nhịp sống của mọi người, và mình cũng thế, không nên nhìn ngó nhiều để tránh tiêu cực hoá cảm xúc của mình.IMG_6756Chuyến du lịch một lần và không bao giờ hẹn nổi lần hai của tụi mình cách đây 5 năm

Còn với mình, nó chỉ đơn giản là một ngày mình không phải ra khỏi nhà. Thậm chí ngay cả khi mình được nghỉ 01/05 giống như mọi người, mình cũng không hề có cảm giác mình đang nghỉ lễ như là được thư giãn hay nghỉ ngơi, nó chỉ đơn thuần như mình đang nghỉ ngày Thứ 7, Chủ Nhật thôi vậy, không có gì khác biệt, đường phố không rộn ràng mà thậm chí vắng tanh vắng ngắt và không có gì mở cửa. Buổi sáng khi mình thức dậy, mình còn giục bạn cùng nhà dọn nhà vì nghĩ hôm nay là cuối tuần chứ không phải là nghỉ lễ

  1. Những địa điểm tụ tập ngày lễ: Khỏi phải nói chắc các bạn cũng đều biết những ngày lễ này đi đâu cũng đông từ đi uống trà sữa, tới đi ăn, rồi xa hơn là đi du lịch với rất nhiều bài báo “Sầm Sơn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu đông nghẹt người”. Trải dọc từ Bắc vào Nam không biết trốn đi đâu cho có chỗ để thở. Nhưng mình nghĩ đó chính là một phần của không khí lễ. Ai cũng sẽ có tâm lí “cả năm thỉnh thoảng có vài dịp để nghỉ ngơi”. Nếu bạn có điều kiện bạn có thể đi nước ngoài, hoặc nghỉ vào những ngày nghỉ riêng lẻ trong năm để đi du lịch mà không chịu cảnh chen chúc. Nhưng với những gia đình ít có điều kiện thì dịp nghỉ này là một trong những thời điểm hiếm hoi cả nhà có thể cùng nhau có những chuyến đi du lịch như vậy. Cũng không có cách nào khác ngoài tìm cách “tận hưởng” kì nghỉ theo cách riêng của mình vậy.Processed with VSCO with av8 preset
  2. Tâm trạng trong ngày cuối cùng trước nghỉ lễ: Về điểm này thì mình nghĩ ở đâu cũng vậy thôi à, tâm trạng chung của chúng ta đều là “Mai lại phải đi làm/đi học lại rồi”. Đó là một hội chứng với tên gọi là “Post-holiday blues” hay “Post-holiday depression”. Tuy chưa được công nhận với tên khoa học chính thức, nhưng đây là một hội chứng có thật và tất cả chúng ta đều trải qua, nó bắt đầu diễn ra vào ngày cuối cùng của kì nghỉ, và thường sẽ kéo dài trong buổi sáng ngày đầu tiên sau khi kì nghỉ kết thúc. Hội chứng này cũng gần như hội chứng Ghét Thứ Hai vậy. Và lí do rất đơn giản là vì chúng ta chỉ thực sự sống và tận hưởng trong những ngày nghỉ, còn những ngày đi làm chúng ta chỉ hoạt động như một bộ máy.

Với du học sinh tụi mình, nếu nói rằng mình không xuất hiện hội chứng đó thì không đúng, nhưng với mình hội chứng đó không quá ảnh hưởng giống như những ngày mình ở Việt Nam là bởi ngày nghỉ hay ngày thường thì mình cũng vẫn phải làm rất nhiều việc và lo lắng nhiều thứ, hay nói cách khác, nghỉ nhưng mình không thực sự được nghỉ. Và cũng bởi một lí do nữa là mình phân bổ nhiều đợt nghỉ ngắn thay vì tập trung một đợt nghỉ dài, khi đó, trạng thái cơ thể của bạn sẽ chưa kịp quen với nhịp điệu nghỉ ngơi thì đã quay lại nhịp sống cũ để tránh rơi vào hội chứng này.

IMG_6016

Nem chẳng muốn học bài tẹo nào đâu mẹ ơi >”< 

Để hạn chế cảm giác chán nản khi quay lại cuộc sống cũ, mình nghĩ chúng ta có thể dần dần bắt đầu lại nhịp sống cũ vào ngày cuối cùng trước khi kì nghỉ lễ kết thúc. Ví dụ như sếp mình bảo với mình rằng dù nghỉ 3 tuần hay 2 tuần thì sếp vẫn thường hay check mail vào 2 khoảng thời gian là giữa kì nghỉ và ngày cuối của kì nghỉ để đảm bảo lúc quay lại không bị quá tải bởi đống email, hình dung ra được trong suốt thời gian mình nghỉ đã có những gì xảy ra và ngày mai khi tới công ty mình sẽ cần phải làm những gì. Ở Việt Nam với kì nghỉ “toàn quốc” thì bạn có thể không có email nào tới trong lúc nghỉ, nhưng bạn có thể mở lại những kế hoạch cần hoàn thành sau kì nghỉ lễ để chuẩn bị dần dần (với học sinh là làm bài tập về nhà ấy T.T).  Bất kì những thói quen gì bạn thường làm mà ngày lễ bỏ bê thì hãy bắt đầu nó lại trong ngày cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi quay lại làm việc. Thực ra điều quan trọng hơn đó là nếu bạn thực sự yêu công việc bạn đang làm thì cảm giác ấy sẽ đỡ mệt mỏi hơn. Nhưng chúng ta đều là con người mà, không thể khắt khe đòi hỏi lúc nào cũng hăng say nhiệt huyết với công việc, mình cũng yêu công việc của mình lắm vì đi làm thì sẽ ra tiền để mà còn đi chơi, nhưng mình vẫn lười đi làm vì mình thích ngủ nướng hơn huhu. Điều cuối cùng là hãy ngủ một giấc thật ngon và đừng nghĩ ngợi nhiều qúa, ngày mai cũng sẽ chỉ là một ngày mà thôi.

IMG_5722

Chúc các bạn ngủ ngon và quay lại làm việc, học tập vui vẻ nhé!

-ducked-

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.

Up ↑